LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]
Lữ Mai
Kha lên phố chợ ban ngày tìm mãi chẳng gặp cánh cửa mở, chẳng một bóng người qua. Cậu lái xe hàng thuê cho nhà anh bị tử nạn lúc nửa đêm, cảnh sát đã làm xong hiện trường. Kha tức tốc lên đường bằng xe riêng, ý định tìm khoảnh đất trống nào đó lo hậu sự cho kẻ xấu số theo nghi thức của người chết dọc đường.
Loanh quanh mãi lại về nơi đỗ xe. Từ gốc thông già nhìn lên, Kha nhận ra bóng người ngồi bên khung cửa sổ. Anh vẫy liên hồi, gọi khản tiếng, cô gái vẫn im như tượng. Khuôn dáng thả lỏng, thiếu điểm tựa của cô khiến Kha hình dung nếu không có những cành thông già nua vươn ra níu giữ, cô đã rớt xuống khoảng trống u u gió. Khoảng cách quá xa, càng không biết cô thức hay ngủ.
Đúng lúc Kha chán nản, quay đi, uể oải bước một đoạn, rút trong túi ra bao thuốc, châm lửa rít hơi dài, thì cô bần thần đứng ngay phía sau, hỏi khẽ: Anh có chuyện gì?
Kha lướt cặp mắt mỏi nhìn qua cô gái. Dáng vóc cô nhỏ gầy, cao chừng mét rưỡi, mái tóc rất mỏng, làn da trong như những cô bé chưa đến tuổi dậy thì. Chiếc đầm dài quá gối ôm trọn cơ thể cô khó biết chất liệu gì. Vải hơi mềm, hơi nhăn, pha trộn giữa sự lãng mạn với chán chường. Riêng khuôn mặt rất thanh thoát, có phần u uẩn.
Gặp người rồi, vẫn cảm giác cả cái phố này chết sạch, tịnh không còn ai! Anh thầm nghĩ. Khung cửa sổ cô vừa dời đi khá bụi bặm. Cây thông già chĩa từng cành lêu khêu, khô khốc vào chấn song.
Nhờ vị trí đắc địa, phố chợ thành nơi buôn bán, lưu thông hàng hóa sầm uất, đánh thức cả vùng biên được bao bọc bởi núi rừng heo hút. Lũ lượt xe tải vào đổ hàng, ăn hàng, người ăn đêm, chơi đêm nhộn nhạo. Phố sống ban đêm, ngủ ban ngày. Cứ sáng ra sạch bách như đêm qua chưa từng có chuyện gì.
Người phương xa mà lên phố ban ngày, tưởng mình đang bước vào một vùng đất chết. Phố toàn biệt thự, nhà cao cửa rộng nhưng im ỉm khóa, đùng đục bụi, thi thoảng lắm mới thấy một bóng người thò đầu từ ban công cao tít, khạc nhổ liên hồi, xong xuôi rụt đầu vào, đóng chặt cửa.
-Dân đã mua gần hết đất phố này, kể cả khoảng rộng thênh thang như quảng trường kia. Chẳng đời nào họ để người dưng làm đám tang kẻ chết đường ở đất nhà mình. Dân buôn, anh biết mà.
Lời cô nhẹ, không xúc cảm.
-Này cô gái, cô có thể đưa tôi về gặp người nhà cô không?
Sau câu nói ấy, họ lùi lũi bước gần nhau. Phải mất hồi lâu bốn cặp mắt ngái ngủ của cha mẹ, hai anh trai cô mới tỉnh hẳn. Người đàn ông xa lạ bằng cách nào đó thuyết phục hoặc thôi miên mà gia đình cô bất ngờ đồng ý cho mượn khoảnh đất trước ga-ra xe làm đám tang. Cô không còn nhớ. Lúc ấy, cô mới nhìn rõ mặt người đàn ông trạc tuổi cha mình. Anh ta thực sự đã lớn tuổi. Khoảnh khắc gặp gỡ chuyện trò trước đó cô nửa tỉnh nửa mê, cộng thêm bộ đồ thể thao và thân hình gọn ghẽ giấu tuổi khiến cô nghĩ người lạ cỡ tuổi các anh mình.
***
Lão bán nước gần bãi xe chuyên rụt đầu trong tấm áo bông bất giác thò đầu như con rùa chui khỏi mai khi biết Kha thường qua lại, đi cùng cô con gái nhà buôn trầm có cây thông già chĩa cành vào những ô cửa bụi.
“Con bé ấy mãi chẳng lấy chồng. Đám người hay đi lễ chùa vẫn bảo, khuôn mặt đàn bà mà hệt búp sen Quan Âm, vừa ấm vừa lạnh, vừa gần vừa xa, bản mệnh ắt chẳng phải người trần, cao số lắm. Dân buôn tứ xứ lại nguyền rủa, nhà ấy buôn trầm nhiều đời nên bị “ếm,” ba đứa con đều nhỡ nhàng, cô độc, chẳng ra gì.” Dưới ánh điện đêm, giọng điệu, mặt mũi lão bán nước chẳng khác nào phù thủy. Lão thở khò khè, chuyện dăm câu lại vớ điếu thuốc lào rít sòng sọc, ho thành tràng dài như có ai thò tay móc họng.
Cậu lái xe xấu số của Kha chưa vợ. Đám tang diễn ra chóng vánh, đủ thủ tục, rồi nhanh gọn cả đoàn người xe lùi lũi về xuôi. Họ nói lời cảm tạ trước khi cất bước, để lại một mâm lễ đầy vun tại nhà cô.
Bấy giờ, cô ngồi góc nhà, tay vân vê cuộn len xanh biếc. Chẳng có việc gì cho cô cả, đám tang là việc của người dưng. Bố mẹ, các anh cô vẫn ngủ bù khi phố chợ còn le lói ánh ngày.
“Tôi sẽ còn trở lại, lúc đó chắc chúng ta nói chuyện được nhiều hơn.” Sau câu nói, Kha mất hút, dễ đến vài tháng.
Thời khắc cô chuẩn bị bước qua cây cầu nối phố chợ với một rừng thông cách biệt, anh ta xuất hiện trong bộ dạng đúng với tuổi thật. Đó là cây cầu bắc qua dòng suối nhỏ dẫn vào rừng thông, sâu trong rừng có ngôi chùa đá không tên. Người trong vùng gọi đó là Cầu Quy, là bởi những ai đi tu, đoạn tuyệt duyên trần sẽ bước qua, dần dần mất hút. Họ có ở chùa không, chẳng ai biết được.
Bao đời nay, tục của người phố chợ, kể cả máu mủ ruột rà mà dứt tình qua cầu thì không ai ngó ngàng thêm nữa. Bấy nhiêu năm, người bình thường không qua cầu, người qua cầu hình như cũng không về lại. Ngược phố lần này, Kha lại mang theo một mâm lễ tạ đặt tại nhà cô. Lọt vào mắt anh cuộn len xanh con gái chủ nhà vân vê trên tay hôm đám tang cậu lái xe. Cuộn len nằm bất động ở chân cầu thang, chiếc ghế gỗ cô gái ngồi vẫn nguyên chỗ cũ. Linh tính mách bảo bước chân Kha chạy về phía cây cầu.
***
Phố chợ còn có nhân vật không kém phần kỳ dị so với lão hàng nước là bà cụ mất trí nhớ. Quanh năm suốt tháng bà ăn vận sặc sỡ hệt trẻ con, đêm đêm đeo túi vải chéo hông đủng đỉnh dạo qua khắp lượt hàng quán. Vừa bước, bà vừa ngâm nga câu hát cũ kĩ “Cầu Quỷ thiên di kiếp người đi lạc/ ánh sáng phố mây tự bấy lòng vòng/hồng chín thành mùa trăng rụng/ sen Quan Âm nở chốn mịt mùng.” Vì câu hát ấy, khối người đùa, bà ta mới thực là kẻ tỉnh nhất phố này. Chuyện cô gái con nhà buôn mang khuôn mặt hình búp sen Quan Âm cũng được kể hoàn toàn khác.
“Có ả đàn bà chửa hoang từ xứ khác dạt về đây, vừa sinh ra đứa trẻ đỏ hỏn đã bọc trong tã lót, đặt dưới gốc thông để bước qua phía Cầu Quỷ. Nhà buôn trầm ấy mang con bé về. Được ít ngày, tưởng đâu nó lên cơn động kinh, ốm một trận suýt chết. Thì ra, người ta dùng phép, luyện ngải ướp trầm vào nó để cầu tài cầu lộc. Vừa ướp vừa đọc thần chú, đèn nhang nghi ngút. Đủ ngày đủ tháng, nó mở choàng mắt, khác biệt người trần mắt thịt. Đứa con gái vừa như thần giữ của, vừa như tai họa. Cánh buôn trầm truyền khẩu, chúng chỉ ngửi rõ mùi trầm khi thấy bóng đứa con gái ấy ở trong nhà. Hàng về dưới xuôi, những thân gỗ càng như cạn hương, trơ khấc hệt của giả. Giả mà không giả. Thật lại chẳng thật.” Bà già mất trí huyên thuyên trong dáng vẻ đỏng đảnh, liêu trai.
Gương mặt hình búp sen Quan Âm vương vất trong đầu Kha. Đôi khi, lúc bên cô, anh cảm giác gương mặt ấy tỏa ra vầng hào quang dìu dịu. Ánh hào quang dẫu chìm sâu, khuất lấp bao nhiêu Kha vẫn cảm được. Chính xác cô sở hữu thứ dung nhan để cảm, không phải để nhìn.
Kha chợt nhớ lại, cánh lái xe thuê cho anh vẫn rỉ tai câu chuyện nửa hư, nửa thực. Nếu lên phố chợ, đánh xe qua chỗ gốc cây thông già hình dáng chết khô mà vẫn sống, tình cờ gặp cô con gái nhà ấy, cả chuyến hàng chất ngất vận may. Khuôn mặt hình búp sen, dáng vẻ mong manh kia còn quý hơn trầm. Nhưng chớ dại mà buông lời bỡn cợt hay chọc ghẹo, tai họa khôn lường.
***
-Này cô, cô không định gặp tôi nữa sao? Tôi vừa phát hiện ra, Cầu Quy còn có tên là Cầu Quỷ. Bao người đã chết ở đây. Mùa nước cạn vẫn chết đuối sấp mặt, chưa kể các vụ ngã cầu, đâm xe, ám sát, tự tử… Còn đám trẻ nhỏ vùng này đều thấy con mèo trắng ngụ dưới chân cầu, qua suối bình thản như mặt nước trải sẵn lớp băng. Chỉ trẻ con trông thấy thôi. Người già bảo trẻ thường nói đúng…
-Tôi kể cô nghe, chuyện gã lái xe xấu số của tôi. Hắn chết cũng vì một con mèo trắng. Tất cả những ai nhìn thấy mèo trắng tại nơi này đều chết. Trừ trẻ con. Hôm ấy, xe đổ hàng xong, đang vút trên đường vắng bỗng có con mèo trắng băng qua. Đương nhiên, hắn chẳng dại bẻ lái, hắn bình thản nghiến phăng. Con mèo tưởng bẹp dí đến tan xương nát thịt lại hiện ra trước mũi xe hệt trò đùa. Hắn lại siết chặt vô lăng lần nữa. Không ai hiểu vì sao đường vắng vẻ mà chiếc xe tải chở hàng lại đâm thẳng vách đá bên đường. Lái xe chết tại chỗ, phụ xe văng qua cửa chỉ bị thương mà thoát nạn.
-Sao mắt cô ướt? Giờ cô có hai lựa chọn, hoặc theo tôi về, hoặc cứ đi qua Cầu Quỷ, Cầu Quy gì đó, tôi đi cùng cô. Chúng ta xem mạn ấy có gì.
Kha gần như độc thoại. Gương mặt cô gái phủ cả sương lẫn bụi. Mắt cô đăm đăm nhìn xuống mười ngón chân gầy guộc hở ra qua những quai dây xăng đan rất mảnh.
Cô từng bất đắc dĩ phải đối diện Kha. Khi cô muốn vĩnh viễn dứt bỏ hương trầm trên cơ thể. Khi cô muốn đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mù mờ gốc gác, không đầu cuối, không ước mơ. Những lần ấy, cô cũng đi đôi xăng đan rất mảnh, mặc chiếc váy dịu nhẹ, đục màu mây mùa đông. Hệt con mèo nhỏ, cô lướt đôi chân băng qua đường đầy chủ đích.
Kha phản ứng rất nhanh, bẻ lái ngoạn mục, vệt phanh gấp xộc mùi khét cháy trổ thành sẹo mặt đường. Gia đình nhà buôn trầm coi anh như ân nhân, cô nhìn Kha lạnh lùng, vô cảm. Tất nhiên, kỉ niệm ấy chỉ mọi người và Kha còn nhớ. Phần lớn trí nhớ của cô đã trượt trôi theo nước dưới chân cầu.
***
Mẹ cô mời Kha ở lại dùng bữa. Nhà đủ lò sưởi, thêm cả điều hòa, căn bếp sực nức mùi đồ ăn mà vẫn lạnh. Bữa cơm sáu người diễn ra bình thường, không giao đãi, không hồ hởi, cũng chẳng lạnh lùng.
Anh trai cả cô bắp tay phải xăm đầu cọp, bắp tay trái trổ một mũi giáo. Anh ta như có đến hai khuôn mặt. Một khuôn mặt cục mịch ẩn dưới bộ dạng xồm xoàm, hung dữ, giả giả giống người ta đeo mặt nạ.
Người anh thứ dáng vẻ thư sinh, từng đi du học, nghe nói có yêu đương, đã đưa một người con gái xứ xa về ra mắt gia đình rồi giữa hai người xảy ra hiểu nhầm, thù hận. Người đàn bà trẻ quyết bỏ đứa trẻ đang tượng hình trong bụng để dứt điểm chia tay.
Cha cô cao to lừng lững, lưng như tấm phản án ngữ một góc bàn ăn. Ông ít nói, quảng giao bằng mắt sâu, miệng ngậm xì gà. Nhiều đời nay, nhà cô buôn trầm. Căn nhà lớn lúc nào cũng thoảng mùi trầm nhưng nhìn khắp không một chi tiết nào mang dấu ấn loài gỗ ấy. Kha đoán, mọi nhà buôn đều có cách giữ trầm thật bí ẩn, hiểm hóc.
-Xong việc cho người chết rồi, anh cất công lên đây buôn trầm hay tìm con mèo trắng gây ra cái chết của cậu lái xe?
Cô gái mang khuôn mặt búp sen hỏi Kha.
-Tôi chẳng tìm gì cả, lên đây chờ lễ hội Mặt Nạ và giờ thì ngăn không để cô đi qua Cầu Quỷ.
-Có liên quan gì đến anh?
-Sự liên quan đôi khi không cần thiết!
Mỗi năm, phố chợ có một đêm dân tình không buôn bán náo nhiệt, không đón tiếp những xe hàng từ biên giới về, từ dưới xuôi lên. Tất cả hòa vào lễ hội mang tên Mặt Nạ. Mọi người từ già đến trẻ, xa đến gần… đều đeo mặt nạ.
Thường tiết trời hắt hiu bụi mưa. Gió hun hút hắt từ rừng thông già. Trẻ nhỏ thường ngày học hành hoặc trốn tiệt trong biệt thự, nhà tầng bỗng túa ra, tay cầm đèn lồng, miệng nói năng líu ríu.
Xa xưa có tin đồn, đó cũng là dịp duy nhất người ở phía rừng thông có thể bước qua Cầu Quỷ, đeo mặt nạ, hòa vào đám đông chen lấn cầu may. Những cây hồng trứng cổ quả chín mõm mòm treo lúc lỉu trên cành đen kịt ngày thường chẳng ai buồn ngước trông bỗng thành nhân vật chính của lễ hội. Chung quanh chùm quả được chăng đèn kết hoa, trông như triệu triệu mặt trăng sắp sửa rụng rơi xuống trần thế.
Tương truyền, linh hồn các vị thần tài nương náu vào quả chín. Một năm mới xuất hiện một lần. Để công bằng trong ban phát, tất cả mọi người phải đeo mặt nạ. Thế mà Kha vẫn nhận ra cô từ đôi mắt ướt. Cô đang cố nhích thân hình nhỏ bé thoát khỏi dòng người.
-Cô đi đâu?
-Người ta nói, có thể người phía bên kia cầu sẽ sang đây…
-Năm nào cô cũng làm điều vô nghĩa ấy à?
-Tôi không cho là vô nghĩa!
-Biết vậy, cô còn tìm cái chết làm gì?
Họ đối thoại với nhau lúc đã rời đám đông, ngồi dưới chân Cầu Quỷ. Suối chảy nhẩn nha, buốt thấu xương.
Những đứa trẻ ở phố chợ này gia đình không khuyến khích việc học. Chỉ cần tính toán giỏi, sống biết điều, hiểu luật cạnh tranh, lớn lên khắc giàu. Nếu không giàu, của cải cha mẹ để lại ăn mấy đời cũng không hết. Ở đây, những đứa trẻ lớn lên đủ đầy, vật vờ, chung một phương hướng duy nhất. Cô thuộc trường hợp khác. Không cần học hành, không cần giao đãi làm ăn. Chỉ cần bảo toàn sự sống.
-Tôi có bình thường không?
Cô hỏi, còn Kha không đáp lại.
– Cô nhìn suối kìa, mùa này còn có lau ở phía xa, càng tối trời càng trông rất rõ, hệt những mái tóc bạc, cô thấy không? Trông thế chứ lội ra đến nơi chắc lau cao quá mấy đầu người nhỉ?.
Kha chuyện vu vơ. Chẳng giống giọng một gã buôn trầm. Càng không có vẻ ông chủ của đám lái xe ăn chơi ngút trời, suốt ngày gái gú, hút xách cờ bạc.
Khuya. Hơi thở cô hệt luồng gió lạnh. Lần đầu tiên trong đời Kha thấy một người có hơi thở lạnh. Họ ngồi trên tảng đá lớn, cách nhau vài gang tay. Kha đã mang hơi thở của tuổi già, từng cơn ho nén sâu lồng ngực. Anh dám chắc, đây là lần đầu tiên cô gái ngồi cạnh một người đàn ông lạ, ở khoảng cách này, không gian này.
-Nếu tất cả mọi người đều sợ tôi, anh có sợ không?
-Chẳng lý do gì mà sợ. Cô thấy đấy, tôi chỉ là thằng trẻ nhỏ mọc râu! Người lớn nhiều nỗi sợ hơn trẻ nhỏ.
Cô cười. Lần đầu tiên Kha thấy cô cười. Điệu cười róc rách như suối chảy.
***
Kha luôn nói, để mọi sự bình an, cô nên coi gia đình hiện tại là duy nhất. Riêng ký ức về anh, về những đêm cô nhón chân băng qua đầu xe tải, chóng quên thế lại tốt.
Những ngày Kha về dưới xuôi, cô thức trắng đêm nhìn sang mái ngói thẫm đỏ của khu biệt thự phố chợ. Cô mộng du thấy rất nhiều bàn chân đang rón rén bước trên đó. Cô gọi điện cho Kha trong sự thảng thốt, nói rằng mình có thể bỏ đi nếu còn trông thấy hình ảnh ấy. Rồi theo thời gian, những bàn chân mộng du không còn rón rén dọa cô nữa, mà buông thõng một chỗ, như tượng. Rồi Kha trở lại. Nhanh như gió.
Kha là dân làm ăn, đoàn xe nhà anh kết hợp đôi ba chuyến một ngày với các anh trai cô đánh thêm hàng vùng biên. Trầm là thứ anh tuyệt nhiên không dính dáng.
Con của Kha và vợ xấp xỉ tuổi cô. Vợ chồng anh thậm chí đã làm xong di chúc, bỏ vào két khóa lại. Thành phố anh sống, không heo hút ban ngày, náo nhiệt ban đêm như phố chợ mà lúc nào cũng nghèn nghẹt người xe. Sâu trong mỗi ngôi nhà trái lại luôn vắng, lạnh.
Căn bếp nhà Kha gần giống nhà cô. Trẻ con ở đó chẳng khác trẻ phố chợ là bao. Chúng học hành cho có cớ, thực ra cha mẹ vạch sẵn đường, đứa nào chệch hướng thành du côn hoặc người thừa.
Nhờ Kha, tâm trạng cô khá hơn, thân hình vẫn gầy mòn. Càng gầy hương trầm càng thất thường. Lúc đặc quánh, lúc nhạt nhòa.
“Chuyện đâu có chuyện lạ đời! Nhà buôn lại để cho người gần sen! Con bé nhất định phải đồng trinh mới giữ được hương trầm. Hết hương trầm là hết bán buôn, hết kẻ vào ra nườm nượp, của cải chất cao như núi cũng lụi tàn.” Bà cụ mất trí phố chợ trỏ đầu chiếc gậy vẫn chống mỗi đêm dạo phố vào thẳng mặt Kha như truyền khẩu. Nói xong lắc đầu, thở dài thườn thượt. Đoạn lại ngâm câu hát về Cầu Quỷ.
Chừng ấy tháng năm, cô luôn có những giấc mơ lặp đi lặp lại. Cô mơ mình lạc về phía bên kia Cầu Quỷ. Trong ngôi chùa đá, chẳng hiểu sao toàn trẻ con. Chúng nửa lẫm chẫm bước, nửa như bay. Một vị thần đã cứu từng đứa trẻ thoát cảnh luyện ngải, ướp trầm. Người lớn tội lỗi chỉ sống trong rừng, không dám bén mảng tới gần ngôi chùa cổ. Trẻ con ở đó, dù đời này hay đời khác, đều y hệt nhau, mãi không lớn. Trong giấc mơ lạc vào nơi ấy, cô cũng thấy mình nửa lẫm chẫm bước, nửa như bay. Rồi cuối giấc mơ, bàn tay vô hình khô khốc như gỗ thông đẩy cô về phố chợ, vào ngôi nhà rộng rãi quanh năm buôn bán. Cô biến thành mèo trắng hằng đêm. Cô kể Kha nghe những giấc mơ bí mật. Cạnh ô cửa tối, tóc trên đầu anh lói sáng bạch kim.
***
Dân phố chợ đồn đại, thuật ướp trầm của những con buôn vốn có từ xưa. Một thứ bùa ngải xuất xứ từ phương lạ. Để linh nghiệm, trầm phải được ướp vào những đứa trẻ gái mới chào đời, chưa kịp bén hơi sữa mẹ.
Chín ngày đứa trẻ sơ sinh bé xíu thoi thóp sống nhờ khí trời, thần chú. Đợi đúng giờ linh mới đêm nó đi luyện ngải, dán bùa. Trầm càng ăn sâu vào người, đứa trẻ càng quẫy đạp, co giật như động kinh. Người ta gọi đó là con trầm.
Con trầm sẽ ngủ giấc dài, tỉnh dậy biến thành lá bùa hộ mệnh. Đó chỉ là biểu hiện đầu tiên của một người bình thường chuyển thành con trầm cho dân buôn bán khẩn cầu, sai khiến. Cả quãng đời sau này mới đúng nghĩa bi kịch. Những con trầm chỉ lớn đến quãng trước dậy thì, dừng lại mãi ở đó, sức khỏe trí nhớ dần suy kiệt. Biểu hiện tuổi tác rõ nhất qua mái tóc rụng dần, làn da mỏng đi và ngón tay ngón chân gầy trơ xương. Trẻ không ra trẻ, già chẳng ra già. Có con trầm trong tay, kẻ buôn như hổ thêm cánh, quyền năng hô phong hoán vũ, biến gỗ thành trầm, biến tỉnh thành say, biến kẻ trắng tay trở thành tỷ phú.
Chuyện cô là con trầm, không phải con đẻ của đôi vợ chồng nhà buôn, cả vùng phố chợ không ngừng thêu dệt. Mùi hương trên cơ thể cô lúc có lúc không. Chẳng điều gì rõ ràng tuyệt đối. Kha càng ở bên cô nhiều, mùi hương càng hỗn loạn, vơi cạn. Trái lại, đầu óc cô nhẹ nhõm hơn, trí nhớ như màn mây được vén mở nhờ ánh nắng.
Cô không biết yêu. Cô mang thân hình đứa trẻ mười ba tuổi. Nếu không có gương mặt đẹp tựa búp sen Quan Âm chắc chẳng ai nhìn cô lâu một chút. Người duy nhất nhìn cô lâu, không vì khuôn mặt đẹp, không bởi hương trầm được định giá tiền vàng, là Kha. Người đàn ông lớn tuổi ấy thương xót mười đầu ngón chân cô không mang tất vào ngày lạnh, đôi tay xanh xao rõ đường gân.
Anh cúi nhặt những sợi tóc rụng trên mái đầu lưa thưa của cô bỏ vào chiếc lọ thủy tinh nhỉnh hơn ngón tay. Anh luôn giữ chiếc lọ trong túi áo, sát ngực trái mình. Kha có yêu cô không? Chính Kha cũng không chắc chắn. Có điều, anh không thoát khỏi nỗi ám ảnh về người con gái nhà buôn trầm lạ lùng nơi phố chợ. Càng không thoát khỏi tình thương mong manh. Trên đời, những thứ mong manh thường hay vấn vít.
Kha mồ côi cha mẹ, thuở nhỏ sống với bà. Bao quanh mái nhà tranh đơn sơ là hồ sen thơm ngát. Cả vùng chiêm trũng, mỗi nhà Kha trồng được sen Quan Âm. Bà anh bảo, đó là bởi quanh nhà có mạch nguồn thanh sạch.
Sáng sáng Kha đến trường, hít căng lồng ngực, ăm ắp hương thơm tỏa ra từ triệu triệu cánh hoa hé nở trên mặt hồ lấp lánh. Mỗi búp sen Quan Âm thanh thoát, thon mềm hệt mặt người thoát tục. Đủ ánh sáng, khí trời, sen bung trăm cánh.
Đêm Hè, vừa ướp trà, bà Kha vừa kể chuyện. Trong làn hương thấp thoáng những linh hồn trinh nguyên trốn biệt. Cảnh sắc thanh vắng, lòng người chay tịnh sẽ bắt gặp long lanh dưới đáy hồ. Kha học xa nhà, người ta đua nhau đấu thầu, nạo vét hồ nuôi thủy sản. Chút sức tàn của bà, niềm luyến tiếc trong bất lực của anh không giữ được hồ sen. Để đào tận gốc, trốc tận rễ, có kẻ cả gan mang những mảnh áo quan sau khi sang cát cho người chết thả xuống hồ. Sen Quan Âm vĩnh viễn lụi tàn. Kha chưa bao giờ thôi nhớ, mỗi búp sen là một mặt người thoát tục.
Có lần ốm nặng, Kha lên cơn sốt hầm hập, trong cơn mê sảng đòi vợ con nấu món cháo sen. Ngó sen, hạt sen, lá sen bánh tẻ quyện vào gạo nếp trắng ngần bung xòe như hoa ngâu, khi chín thả thêm nhúm cốm xanh ngọc. Bà nấu món cháo đó suốt thời thơ ấu, dỗ dành Kha mỗi khi trái gió trở trời.
Vợ Kha dằn hắt, nói với mấy đứa con: “Bố mày toàn trở chứng, chim trời cá biển đầy nhà, lúc nào cũng suy tư, đòi hỏi tận đẩu đâu.” Chuyện gia đình, chưa một lần Kha kể lại cho ai. Thế mà cô nấu món cháo sen tinh tế đến nỗi anh cảm giác họ gặp nhau, bên nhau từ thuở xửa xưa.
***
Lão bán nước tìm cách níu tay cậu phụ xe nhà Kha quyết hỏi cho ra chuyện lái chính chết vì con mèo trắng. Cậu thanh niên ú ớ, mang máng kể, giọng chưa hết hoang mang.
Rằng lúc cả đoàn xe dừng ăn đêm giữa phố, lái chính buông lời tục tĩu, đưa tay chạm lưng một cô gái phố chợ. Người này chẳng nói gì, vẫn bước đi. Được một đoạn, cô gái ngoảnh lại, khuôn mặt hình búp sen nửa trách móc, nửa hờn căm.
-Cô có bao giờ nghe chuyện con mèo trắng thành tinh cánh lái xe vẫn dọa nhau?
-Tưởng anh rõ hơn tôi chứ! Anh từng vào vai người kể chuyện lúc tôi định qua Cầu Quỷ mà…
-Cô tin không?
-Tin hay không chẳng để làm gì! Cuộc đời vẫn thế…
Khoảnh khắc cô nói câu ấy, anh bỗng thấy mùi trầm sực lên, ấm nóng, vây cuộn lấy mình. Mùi hương tỏa từ mái tóc mỏng, làn da trong, thân hình nhỏ của cô gái quên lớn. Mùi hương tỏa từ mười ngón chân rất gầy lộ dưới quai dép xăng đan mảnh. Mùi hương như sực lên một lần sau cuối trước khi vĩnh viễn lụi tàn.
Chẵn trăm ngày cậu lái xe mất, gần như xong nghĩa vụ với gia đình người làm thuê, Kha từng định trốn chạy, đoạn tuyệt với phố chợ. Vậy mà hằng đêm, hễ nhắm mắt lại, khuôn mặt cô gái cứ chập chờn, khi gần gụi, lúc xa xôi. Một đóa sen tan thành muôn nghìn giọt nước lững lờ trôi phía chân cầu, trôi về hồ nước đầy hoa bao quanh mái nhà thuở bé.
***
Cả phố chợ nhao lên vì câu chuyện đám buôn bán, lái xe xì xào. Ông chủ xe tên Kha mắc chứng tâm thần sau nhiều ngày lai vãng, qua lại với con gái nhà buôn trầm khét tiếng. Đó là con trầm, đâu phải con người.
Lại có tin chính cha mẹ, các anh cô gái tính kế chấm dứt mối quan hệ mang mầm mống bất trắc, tai ương.
Sau chuỗi ngày ồn ào, bà già lẩm cẩm ăn vận hệt trẻ con vẫn hát hằng đêm. Chuyện đâu có chuyện lạ đời! Nhà buôn lại để cho người gần sen.
Lão bán nước vẫn rụt cổ vào thò cổ ra như phù thủy đội lốt rùa.
Lễ hội Mặt Nạ vẫn lặp đi lặp lại, người phố chợ lẫn người muôn phương lắm tiền nhiều của vẫn chắp tay ngửa mặt cầu may dưới gốc hồng già.
Còn cô gái ấy, sáng sáng ngồi im như tượng trên khung cửa sổ bụi, bên những cành thông già khô khốc. Trí nhớ đã trở lại với cô. Hệt những mũi dao xuyên trúng tim ngọt sắc. Đau khổ nhất trên đời, là muốn mà không thể chết.
Người ta nói Kha đi biệt tích, cô lại tin Kha đi về phía những giấc mơ, Kha chờ đợi cô từ nguồn cội thăm thẳm ấy. Nghĩ về anh, nhìn ngàn lau bên suối bạc phơ tóc trắng, cô dấn bước về phía bên kia cầu. Ở phố chợ, người cuối cùng được nhìn thấy khuôn mặt hình búp sen Quan Âm tỏa rạng là đám trẻ nhỏ dung dăng dung dẻ đi chơi. Chúng đứng trên cầu chỉ tay xuống suối. Không phải một con mèo trắng mà cả đàn mèo đủ bố mẹ, con cái gối nhau sưởi nắng trên tảng đá.