Người cựu chiến binh Mỹ và tô hủ tiếu Mỹ Tho

Tôi vừa ngồi xuống ghế tại phi trường Atlanta, Georgia Mỹ, người đông như kiến chen chúc nhau, kẻ đi qua, người đi lại; đây là lần đầu tiên tôi quá cảnh tại phi trường rộng lớn hai tầng này.

Tôi cùng chồng đi từ Montreal, qua Atlanta, chờ gần bốn tiếng cho chuyến kế tiếp để đến Peru, nơi tôi ước ao được tận mắt ngắm những cảnh đẹp của một trong bảy kỳ quan mới của thế giới hiện đại là khu bảo tồn lịch sử Machu Picchu, thuộc xứ sở Peru.

Gate 18a dành riêng để đi về Peru, tôi ngó quanh rất đông người đủ các dân tộc Úc, Pháp, Mỹ, Canada, và cả người Peruvian, ai cũng phải chờ ít nhất từ ba tiếng trở lên. Tôi thầm nghĩ “sao ai cũng nói kinh tế đang xuống dốc, phí cước dầu xăng máy bay mắc mỏ mà sao người ta đi nghỉ hè, đi chơi đông dữ vậy? Tất cả mấy trăm người này đều đi cùng chuyến bay đến Peru với mình sao ta?”

Machu Picchu- April 2024. (Hình: Sỏi Ngọc)

Nghĩ phải làm gì cho qua thì giờ, tôi sửa soạn lấy quyển sách trong giỏ sách ra đọc.

Lướt mắt ngó quanh, bỗng cặp mắt tôi dừng lại ở một ông già người Mỹ, ngồi cạnh một bà già Mỹ tóc bạc trắng, hai người này ngồi đối diện với tôi, cách một hàng người trước mặt, nhưng ánh mắt của ông cứ chăm chăm vào tôi với đầy vẻ ngạc nhiên!

Tôi cúi đầu xuống đọc sách, nhưng giác quan thứ sáu cho tôi biết có người đang quan sát tôi từ xa, tôi có cảm tưởng ông đã đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi lại gần chỗ tôi lén nhìn, tôi vẫn bỏ mặc và tiếp tục đọc; những tình tiết trong câu chuyện cuốn hút làm tôi quên mất ánh mắt theo dõi từ xa ấy, tiếng nói chồng tôi vang lên:

-Em canh đồ nhé, anh đi vòng quanh cho bớt mỏi, ngồi mãi tê cả người.

Tôi ngước mặt lên, ánh mắt tôi lại “đụng” với khuôn mặt ông Mỹ già lúc nãy, tôi vôi nói với chồng:

-Anh! Mặt và đầu tóc em có xù hay dính gì không?

-Sao em hỏi vậy? … đầu tóc em gọn ghẽ lắm rồi, ở đây không ai nhìn em đâu …em không cần điệu nhe!

-Xí! Cứ trêu em thôi! … Anh xem kìa có ông Mỹ già ngồi đàng kia cứ nhìn mình hoài đó!

-Nhìn em chứ có nhìn anh đâu!

-Anh cứ giỡn hoài, em nói thật mà, từ nãy giờ ông ta lén nhìn… mình mãi, em thấy lạ lắm đó!

Chồng tôi vẫn cứ hay đùa:

-Để anh ra hỏi xem tại sao ông lại nhìn vợ tôi lâu thế nhé!

-Hum… Thôi! Anh cứ đi dạo đi, em ngồi đây canh đồ cho.

Ông xã tôi đứng lên bỏ đi, tôi ngồi một mình nhìn quanh quất, ông Mỹ đối diện có vẻ tự tin hơn, ông mỉm cười nhẹ làm quen, gật đầu chào tôi qua một dãy ghế đầy người, tôi nhìn dáo dác xem có phải đúng là mình ông ta muốn chào không, thấy ai nấy cũng lo việc riêng, tôi ngại ngần gật đầu nhẹ chào lại và lần này cúi xuống ngay quyển sách đang mở sẵn trên lòng.

Bao nhiêu suy nghĩ thoáng qua đầu, tôi nhớ lại từng khuôn mặt của những ông thầy mà tôi đã từng học qua từ nhỏ đến lớn, không có một khuôn mặt nào mang đường nét của ông Mỹ đang ngồi trước mặt tôi đây, chả lẽ thời gian làm mấy ông thầy của tôi già mau đến như thế sao, ông Mỹ này cũng phải 80 tuổi rồi đó chứ; cho dù lớn tuổi nhưng dáng người của ông cao to lớn, hơn 1m80, vẫn còn phảng phất vẻ hào hùng của thuở nào.

Tôi moi móc trong óc xem có quen với khách hàng, bạn bè là người Mỹ không? Hay chắc ông ta lầm tôi với ai? Với một người học trò xa xưa nào đó? Tôi không thể nào nhớ ra đã gặp ông ta nơi đâu nữa!

Giờ vào máy bay đã đến, bốn tiếng tưởng dài, nhưng trôi qua thật nhanh, chúng tôi nhanh chóng xếp hàng chờ vào máy bay. Ông bà Mỹ này cũng đi cùng main zone 2 với tôi, chúng tôi lại sắp cùng hàng. Khi ông bà đứng bên cạnh tôi, tôi mới để ý thấy bà tóc bạc trắng, già hơn ông rất nhiều, tôi lại tự hỏi không biết bà có phải là vợ ông hay… là vai vế nào khác.

Lúc đang đẩy carry-on vào nhân viên soát vé, tôi thấy ông bà Mỹ này cũng lại đi sát bên cạnh, tôi dừng lại và nhường bước cho hai ông bà đi trước, nhưng hai người này lại nhất định bảo tôi và ông xã vào trước. Lần này ông lại nheo mắt cười với tôi!

Vào bên trong, ông bà ấy ngồi cách tôi hai dãy ghế, khi cất hành lý lên nóc máy bay, ông cười hỏi chúng tôi:

-Hai bạn đi Peru phải không? đến phi trường Lima?

Chồng tôi trả lời:

-Vâng đúng rồi, ông bà cũng vậy ạ? Mình sẽ còn ba tiếng rưỡi bay nữa là tới, sẽ rất nhanh…

-Đúng! Sẽ nhanh thôi!… hy vọng mình cùng ở chung hotel?

Thế là chúng tôi quen nhau một cách rất tự nhiên.

Đến phi trường Lima vào buổi chiều lúc 9 giờ 30 phút tối, chúng tôi được xe van rước về hotel cùng với ông bà Mỹ, ông do dự trước khi nói với chúng tôi:

-Hẹn gặp lại các bạn vào sáng mai chúng ta sẽ đi tàu ở lake Titicaca lúc 9 giờ phải không? Bây giờ tối rồi, chúc các bạn ngủ ngon nhe.

Tôi thấy thái độ của ông Mỹ hơi chút kỳ lạ, sao cứ bám theo chúng tôi nói chuyện, nên tôi mới nói với ông xã :

-Ông Mỹ này… có vẻ nói nhiều ghê anh nhỉ, bà vợ chả thấy mở miệng!

-Thường là vậy mà, chỉ một người nói là đủ rồi!

Tôi cũng không màng đến lời nói khiêu khích của chồng, yên lặng đi lên phòng.

***

Sáng hôm sau, tất cả mọi người hẹn lên xe bus để ra nơi thuyền neo đậu, vừa gặp chúng tôi bước lên, ông đã giơ tay ra hiệu cho tôi :

-Good morning!… Ngồi đây này, tôi đã giữ sẵn cho hàng ghế ngay sau lưng tôi đây!

-Good morning ông bà!…Cám ơn ông bà đã giành chỗ cho chúng tôi, ông bà thật tốt và nhanh nhẹn quá!

-Chúng tôi tuy lớn tuổi nhưng tôi đã quen với dáng vẻ nhanh nhẹn từ mấy chục năm nay rồi, từ khi…

Ông chưa kịp nói hết câu thì khách lên đầy xe, nhân viên dẫn tour cầm microphone giới thiệu cho chúng tôi biết sẽ bận cả ngày hôm nay, đi tàu, lên núi Puno và gặp gỡ những người sống trên hòn đảo với những con cừu và alpaca để xem văn hóa tập quán của người Inca…

Người dẫn đường cho biết tàu sẽ lướt trên hồ Titicaca khoảng  tiếng 45 phút mới tới nơi nên ai muốn ngủ hay làm gì cũng được. Tôi ngồi yên quay mặt ra dòng nước với những đợt sóng trắng bắn tung theo động cơ của tàu chạy, trời nắng thật ấm áp, mê mải ngắm sông nước, núi hùng vĩ đủ màu xanh đỏ bao quanh hồ thật đẹp; tiếng ngáy của những người thiếu ngủ tối qua bắt đầu vang lên khe khẽ.

Bất chợt tôi nghe tiếng động nhẹ bên cạnh, ông Mỹ già đã nhanh nhẹn đổi ghế sang ngồi đối diện với tôi, ông có vẻ sốt ruột, sợ không còn cơ hội nào tốt hơn để đưa tôi xem chiếc điện thoại của ông với cả ngàn tấm hình trong đó.

Tôi quay lại sau, thấy bà vợ của ông đang nhắm mắt đầu nghẻo sang một bên ngủ ngon lành.

Rất ngạc nhiên chưa hiểu ông muốn gì, ông bấm ra tấm hình một cô gái trẻ, nhìn kỹ cô hao hao giống tôi ở khuôn mặt thuôn nhỏ và mái tóc dài ngang lưng, cô ở độ tuổi 20-25 trong hình. Ông lên tiếng đủ để tôi nghe :

-Cô có nhận ra ai không?

Tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe ông hỏi như thế, đưa mắt nhìn ông, giải thích :

-Đây là lần đầu tiên tôi thấy tấm hình này, tôi không hề quen cô gái trong hình…

-Cô… thật sự không quen hay có quan hệ gì với cô ta hả? có biết cô giống cô ấy lắm không? cử chỉ và dáng vẻ nữa! Tôi đã…

-Ah! Thì ra ông đã lầm tôi với cô gái ấy khi gặp tôi ở phi trường Atlanta phải không?… Hèn gì…

-Đúng đấy! Hãy gọi tôi là David cho thân mật nhé. Tôi tưởng cô và cô gái trong hình này là hai chị em, hay hai mẹ con… Xin lỗi tôi đã lầm! Thật lạ, cô giống lắm!

-Dạ không sao, ông đừng phiền lòng …

Ông bỗng rút ra từ trong túi áo một lá cờ màu sọc đỏ ngang, màu trắng kế tiếp và màu xanh dương đậm, trên lá cờ ấy là một ngôi sao bạc năm cánh được thêu thật tỉ mỉ trang trọng, phần mặt sau của lá cờ, có phần giải thích:

Tôi là một phần của lá cờ Mỹ của chúng tôi

Tôi đã từng hiên ngang phất phới ở những ngôi nhà

Bây giờ tôi không thể bay được nữa

Nắng gió đã làm tôi hết sức, rách nát

Hãy mang theo tôi như lời nhắc nhở: xin hãy đừng lãng quên những người chiến binh xưa.

Chúa sẽ ban phước lành cho bạn

David Overholt, một cựu chiến binh.

(Hình: Sỏi Ngọc)

David lại cho tôi xem tiếp một loạt hình của ông chụp chung với cô gái cách đây 55 năm ở Mỹ Tho, Việt Nam, những tấm hình hồi ông còn trẻ với cô gái duyên dáng này, những món ăn thuần túy của Việt Nam do chính cô ta làm, rất nhiều những kỷ niệm, nơi hai người đã từng đi qua thời trẻ, giọng ông trầm buồn:

-Thuở 1970, tôi chỉ là một chàng trai trẻ mới 24-25 tuổi, được điều sang Việt Nam, giữ chức vụ hậu cần, coi sóc nhà kho súng đạn, quân phục cho lính, nếu thiếu thứ gì thì sẽ liên lạc bên Mỹ để đem qua, cũng kiêm luôn việc chuyển giao thư từ điện tín đến những cấp cố vấn Mỹ.

Chúng tôi đóng ở Mỹ Tho, ngày nào vào chiều khoảng 5, 6 giờ, tôi đều thấy một cô gái gánh một gánh hủ tiếu bán dạo, người cô bé nhỏ mà hai đầu gánh thật đầy ắp. Phải nói là đi nặng nhọc lê lết đến trước cửa trại chúng tôi, đặt cái ghế bé xíu xuống ngồi. Lạ một điều là nàng vừa ngồi xuống là trong này cả đám lính chúng tôi úa ra, chẳng ai bảo ai, mọi người đều mua mỗi người một tô, có đứa thấy ngon quá ăn luôn một lúc hai tô, không những thế còn mua để dành cho sáng hôm sau ăn nữa chứ. Khuôn mặt nàng dễ nhìn, xinh xắn với nụ cười rạng rỡ làm tôi có cảm tình ngay từ tô hủ tiếu đầu tiên.

Khoảng ba tháng sau, tôi thấy mình ghiền hủ tiếu của nàng, nhớ nàng day dứt mỗi lần nàng đến chậm, không ăn sẽ không thể nào ngủ được! Tôi đem lòng yêu thương Huệ hồi nào không hay. Tôi mạo muội đến gặp ba má của Huệ để xin cưới cô. May mắn là ba má cô ấy nhận lời.

Đám cưới chúng tôi thật đơn giản, gồm gia đình người thân của Huệ, cùng với các bạn trong trại của tôi. Chúng tôi ở với nhau rất hạnh phúc, không có con, được bốn năm, đến cuối 1974 thì nơi chúng tôi đóng quân bị pháo kích, không may tôi bị thương nặng ở phần bụng và chân, họ cho tôi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy (tôi không nhớ tên rõ), xong đưa tôi về Mỹ gấp vì tôi cứ đau đớn và bị biến chứng sốt cao cả tuần lễ. Huệ có đến thăm tôi trong những lúc tôi trong cơn mê sảng đau đớn không biết gì.

Tiếp theo biến cố 1975 xảy ra, bao gia đình tan nát, kẻ bỏ xứ, người trốn đi nơi khác ở, tôi và Huệ mất liên lạc luôn từ đó….

-Sau đó ông gặp và cưới bà Isabelle bên Mỹ?

-Một lần đi chơi ăn nhảy ở một casino ở Las Vegas, tôi đã gặp Isabelle, lúc ấy bà ta rất trẻ so với số tuổi và quyến rũ, là ca sĩ của phòng trà trong casino, bà rất sang trọng, được bao nhiêu đàn ông vây quanh; ai cũng muốn chiếm được trái tim nàng. Trong một lần kháo nhau, uống thật say, tôi đã qua đêm với nàng, sau đó biết được nàng có thai với tôi, chúng tôi đã trở thành vợ chồng từ đó, dù nàng hơn tôi đến 8 tuổi, nhưng không hề gì, trái tim và tấm lòng hướng về nhau là được.

Đúng như David nói, bà Isabelle tuy đã gần 90 tuổi, nhưng vẫn giữ được vóc dáng thanh mảnh, đầu tóc cắt theo kiểu trẻ trung hiện đại với đôi móng tay giữ gìn sơn đỏ kỹ càng, nên điều bà đã từng làm say mê bao trái tim kể cũng không ngoa!

-Ông có về Việt Nam tìm lại chị Huệ không?

-Tôi đã về hai ba lần rồi. Tôi rất yêu mến con người và đất nước Việt, xứ sở của các bạn thật ấm áp, phong cảnh hữu tình, người dân cũng thật tốt và hay giúp đỡ nhau…

Lần vừa qua, cuối năm 2022 tôi đã tìm lại được Huệ!

Tôi mừng rỡ reo lên như chính tôi là người trong cuộc vậy :

-Chị ấy giờ ra sao rồi?

-Chuyện tìm ra Huệ hơi dài dòng, tôi tóm tắt là nàng thay đổi khá nhiều vì đã trên 50 năm rồi, nàng mập ra, nhưng vẫn giữ cho mình nụ cười tươi tắn thuở nào; nàng đã có gia đình khác sau khi chúng tôi chia cắt, nàng đã có ba người con lớn và lập gia đình.

Gặp tôi, nàng cũng mừng rỡ, có mời chúng tôi về nhà gặp vợ chồng nàng; chồng nàng là một người đàn ông tốt, lo cho vợ con và thông cảm cho câu chuyện tình của chúng tôi, anh ấy vui vẻ đón tiếp chúng tôi tại nhà, nàng có làm lại món hủ tiếu Mỹ Tho ngày xưa cho tôi ăn, tôi rất nhớ mùi vị ấy, nhớ từng gia vị đặc trưng làm nên món ấy; tôi thật cảm động khi ăn lại tô hủ tiếu Mỹ Tho do chính tay nàng làm, tôi không ngờ lại có được ngày này sau 50 năm. Tôi ngỡ như trong mơ thôi!

Tôi đã không cầm được nước mắt khi nuốt gắp phở đầu tiên vào miệng! Tưởng chừng như tôi đã tìm lại hương vị của ngày xưa cũ vậy! Isabelle, vợ tôi và chồng của nàng đều thấy, tôi sống thật lòng mình nên không sợ ai phiền lòng.

Tôi yên lặng lắng nghe những lời David kể với đầy cảm xúc dâng trào, hình như mắt ông đỏ hoe như đang nhớ lại cảnh ấy!

David tiếp tục tâm sự:

-Sau khi biết Huệ có hạnh phúc với gia đình hiện tại tôi rất mừng. Bây giờ ai cũng lớn tuổi, tôi đã 80, Huệ trên 70, chúng tôi đã sống gần hết cuộc đời rồi; nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao tôi sanh ra, lớn lên ở đất nước Mỹ, không chiến đấu cho tổ quốc, đất nước Mỹ mà lại sang một nước bé nhỏ Việt Nam, để làm một người hậu cần chiến binh, tuy không trực tiếp ra trận nhưng để lại trong tôi rất nhiều thương tiếc mỗi lần thấy một người lính tử trận?

Tôi để lại cho cô cái huy hiệu lá cờ với ngôi sao này, mong rằng khi cô nhìn nó hãy nhớ đến đã từng có những người lính Mỹ đã đến, đã hy sinh, bỏ mạng trên đất nước quê hương của cô vì đấu tranh cho sự độc lập của tổ quốc của cô, đã thi hành nhiệm vụ một cách dũng cảm, cho dù mục đích sau cùng có đạt được hay không, nhưng những người cựu chiến binh Mỹ ấy cũng nên được mãi mãi ghi ơn!

Tôi xiết chặt tay David với cả tấm lòng biết ơn, những người cựu chiến binh Mỹ, điển hình là David, ngồi trước mặt tôi, kể cho tôi nghe một câu chuyện thật đau lòng, thương tâm, ông đã hy sinh tình yêu, tính mạng của mình cho một nhiệm vụ không phải ở trên phần đất quê hương của ông. Ảnh hưởng của vụ mổ đầu gối và bụng khi ông bị trúng đạn thời trẻ, mỗi lần trời trở lạnh, ông luôn bị những cơn đau đớn dày vò thể xác.

Chiến tranh đã cướp đi cuộc sống tươi đẹp, tình yêu và sự hy vọng của những người lính, ngoài David ra, chắc phải còn nhiều cựu chiến binh Mỹ khác có những tình cảnh éo le, thương tâm khác mà có lẽ chúng ta chẳng bao giờ được nghe kể!

Перейти к эмитенту новости