LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]
Lê Quang Thông
Tựa đề nghe có vẻ lỗi nhịp, so với câu nói xưa nay quen miệng “Tha hương ngộ cố tri.”
Câu này nằm trong bài TỨ HỶ:
“Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì.”
(Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Bắc Tống, 960-1127)
Dịch: Kể bốn điều vui mừng:
“Hạn hán bỗng mưa rơi
Xa quê gặp bạn cũ
Đuốc hoa đêm động phòng
Bảng vàng tên đậu có.”
Do tính chính xác, tôi không viết “tha hương ngộ cố tri” vì người trong câu chuyện này chưa hề quen biết. Đồng hương cũng không phải. Chỉ chắc chắn là đồng bào, cùng trong bụng mẹ Âu Cơ mà ra.
Tôi không quá chính xác như ông quan đời nhà Nguyễn người Đồng Nai Bùi Hữu Nghĩa – Thủ Khoa Nghĩa (1807-1872). Ông thêm hai chữ cho niềm vui đậm đà hơn:
“Thiên lý tha hương ngộ cố tri.”
(Ngàn dặm xa quê gặp cố tri)
Chắc ông cho rằng, phải ngàn dặm tha hương gặp cố tri mới mừng vui thật sự, còn như Huế vô Đà Nẵng, 100km xa chi lắm, gặp lại người quen có vui cũng thường thường thôi.
Năm nay, chúng tôi nghỉ Hè ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi đã đến vài lần từ năm 2001. Có phải vì bụi chuối, hàng rào bông cẩn ở đây, quyến luyến như xóm làng nơi quê cũ? Có phải hình bóng các triết gia Hy Lạp, chập chờn nơi khu trường dạy toán ngày xưa ở Perge, lôi kéo một người mê toán thời trẻ như tôi?
Phải chọn nơi nghỉ Hè thích hợp với tuổi già. Dĩ nhiên, không phải nơi chỉ dành riêng cho người già. Nếu vậy thì chán chết. Bãi biển vắng sức sống ngùn ngụt của đám trẻ rắn chắc, vắng muôn màu bikini rực rỡ… mà toàn ông bà già lụm khụm, bèo nhèo thì còn chi cuộc đời? Nơi chỉ có những người già sẽ không ai tránh được, vội vàng làm chi?
Hotel với bếp ăn phong phú đồ biển, ngày ba bữa ở restaurant hay strandbar không bận tâm. Bãi tắm riêng của hotel có dù che, ghế nằm, nước uống, khăn tắm… cho khách.
Ngay cả chuyện nhỏ như WLAN, Rezeption cũng cài cho khách lớn tuổi ngay khi Check-in. Sách, báo đủ các thứ tiếng ở thư viện cạnh phòng ăn. Nói chung sinh hoạt cả gần ngàn người nhịp nhàng, yên lặng, lịch sự… rất dễ chịu cho những ngày thay đổi không khí, nghỉ ngơi.
Nhà tôi có biệt tài giao thiệp với chung quanh. Ngay ngày đầu ở bãi, mấy bà tắm dưới biển lên đã kéo ghế nằm tới gần nhau, chuyện trò râm ran y như đã quen nhau lâu lắm.
Các ông chồng hòa nhịp rất nhanh, hỏi các bà thích uống thức gì, lên Strandbar bưng xuống bãi đầy đủ.
Một cộng đồng nhỏ được hình thành, không gắn bó gì lắm, nhưng thân thiện nhanh, ngồi với nhau trong bữa ăn, hay đi shopping, đi tour chung… rồi hết kỳ nghỉ chia tay không lưu lại quan hệ gì đặc biệt.
Gặp người Việt ở đây mới là chuyện hãn hữu. Mười năm trước và sau năm 2000, người Việt tới Âu Châu chú tâm vào việc ổn định đời sống. Gần đây, tình trạng ăn ở đã yên, họ bắt đầu du lịch, phần lớn về Việt Nam. Hoặc áo gấm về làng, hoặc cho con cái biết quê cha đất tổ, hoặc… nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung tìm lại giá trị cái tôi, mà nơi tha phương chẳng ai quan tâm.
Có lần, thấy một cặp ngồi ăn kế bên, khuôn mặt, hình dáng có vẻ là người Việt. Thêm sự chăm lo của người đàn bà trong bữa ăn, có thể suy đoán chẳng những là người mình, mà còn là người Bắc hay ngưởi Huế…
Trò chuyện khi bơi gần nhau giữa biển, mới té ra họ là người Aserbaidschan. Hậu duệ các chiến binh trong đoàn quân của Thành Cát Tư Hãn, ngày xưa vó ngựa dẫm ngang đó trên đường tới Châu Âu chăng?
Bởi vậy lúc vào phòng ăn nghe tiếng hỏi:
– Bác người Việt ạ?
Tôi xúc động quay lại cặp đi sau. Người chồng vồn vã, gương mặt hiền hoà. Người vợ, một cô đầm Đức còn trẻ, vui vẻ bắt tay.
Tôi đề nghị lấy đồ ăn sáng và ngồi cùng bàn, vừa ăn vừa chuyện trò. Nhà tôi và bà đầm liến thoắng với nhau về Kreta, vì qua lại đôi câu đã biết cùng ở đó mùa Hè năm ngoái. Còn tôi và anh đồng bào hỏi thăm nhau dồn dập. Tôi mở đầu:
– Tôi là Thông năm nay 72 tuổi, vượt biển, được tàu vớt đem về Tây Đức 1982. Hiện tại ở Hessen, miền Trung Đức.
– Vậy bác lớn hơn tôi 3 tuổi. Tôi qua lao động ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức 1980. Nước Đức thống nhất, tôi cưới cô đầm này và ở lại tiểu bang Sachsen cho đến nay. Tôi tên Đội.
Ngắn gọn nhưng đủ để biết nhau, đủ để khỏi quanh co về nhân thân, rất khó nói chuyện.
48 năm chiến tranh chấm dứt nhưng dòng sông Bến Hải vẫn chia đôi hai miền, vẫn chảy quanh co trong lòng người Việt. Đây là con sông dài nhất thế giới, chảy từ Việt Nam qua tới Mỹ, Âu, Úc… Ở đâu có người Việt là ở đó sông Bến Hải chảy tới.
Buổi sáng điểm tâm nhẩn nha. Sau cả giờ vừa ăn sáng vừa chuyện trò, chúng tôi chào nhau hẹn gặp lại và đều cảm thấy sung sướng theo sự tình cờ hôm nay.
Sabine, vợ của Đội, xoắn lấy nhà tôi. Có lẽ lần đầu Sabine không lạc lõng khi nghỉ Hè. Nước Đức cũng có vấn đề phân biệt Đông, Tây (Ostsi, Westsi) nhưng do cá tính giao tiếp dè dặt, lạnh lùng… nên khó thấy biểu hiện.
Cả ngày hôm đó không thấy Sabine và Đội. Sáng hôm sau, chúng tôi ngồi ở bàn cũ, và ngóng từng người khách đi qua, vợ chồng Đội vẫn bặt tăm.
Khoảng 4 giờ chiều, nhà tôi lên phòng vì dưới bãi nóng và nắng chói chang. Tôi vừa chơi hai trận bóng chuyền mệt ngất ngư. Lần đầu tiên cảm nhận mình đi hơi xa… với sức lực hiện tại. Bất ngờ, Đội hiện ra trên bãi rồi xuống biển bơi về phía tôi.
Đội xin lỗi đã không nói trước chuyện đi chơi hôm qua: Đội muốn tạo bất ngờ cho Sabine khi chọn đi tour thăm xưởng Kim Cương. Đội muốn tặng Sabine một chiếc nhẫn hột xoàn vào dịp kỷ niệm 34 năm ngày cưới.
– Chà lãng mạn, tình tứ dữ hè.
Tôi khen Đội. Chàng ta đỏ mặt chống chế:
– Đáng nhớ lắm bác, chúng tôi đã liều khi yêu nhau. Đi lao động thời đó ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức, nếu quan hệ với người bản xứ sẽ bị sứ quán theo dõi, và bị lôi về nước tức khắc. Nhưng chúng tôi yêu nhau quá, và cha xứ vùng chúng tôi ở, giúp đỡ làm lễ. Có gì bất trắc, chúng tôi trốn qua Tiệp. Lúc đó, việc trốn đi không khó. Hằng ngày, dân chúng biểu tình nhiều nơi đòi tự do đi lại, tự do…
Tôi tính nhẩm thời gian và nói với Đội:
– 1989 DDR rục rịch tan rã. Ai cũng biết, chỉ còn là vấn đề thời gian. Cậu nắm bắt thời cơ đúng lúc Đội ơi. Tôi phục cậu.
Tôi thành thực và thân thiết làm Đội cảm động:
– Thế là bác hiểu em. Lần rời Việt Nam năm 1980, em thề sẽ không bao giờ trở lại. Nếu không cùng Sabine ở Đông Đức được, thì chúng em cũng sẽ qua Tây Đức khi bức tường Bá Linh sụp đổ.
Đội xưng em với tôi và tôi gọi Đội bằng cậu em, bằng tên. Chút thay đổi nhỏ làm chúng tôi gần nhau hơn.
Đội rủ tôi bơi ra Sabine đang ở ngoài xa. Tôi thú thiệt với Đội, tôi không bơi nổi nữa sau hai trận bóng chuyền vừa chơi. Tôi đề nghị tối nay mình ăn chung bàn, sau đó ngồi ở bar uống lai rai với nhau. Đội đồng ý và bơi đi.
Tối nay có cá Heilbutt, filet, chiên, thịt dòn và thơm rất ngon. Tôi lấy cơm Thổ và hai phần cá. Sabine thấy hấp dẫn, xin thử. Cô ta như số đông người Đức, chỉ ăn cá filet vì sợ xương.
Heilbutt là loại cá mình lép như cá lờn bơn ở Huế, sống ở Bắc Đại Tây Dương. Sau khi thử, cô đi lấy ngay cá ăn với cơm Thổ. Buổi cơm diễn ra vui vẻ với câu chuyện về ăn cá ở Việt Nam. Từ những món cá trong bữa cơm hằng ngày ở Huế, đến chuyện cá rô gỗ ở xứ Nghệ, những làng kho cá nổi tiếng ở ngoài Bắc… Sabine nghe chuyện một cách thích thú.
Ăn tối xong, chúng tôi ra bar. Câu chuyện mở đầu quanh chiếc nhẫn hột xoàn Đội tặng Sabine hôm qua. Nhà tôi góp chuyện sôi nổi vì chúng tôi đã thăm xưởng kim cương đó năm 2001.
Chính năm đó, ở đó, tôi đã mua một chiếc nhẫn, tặng nhà tôi, kỷ niệm 25 năm ngày cưới, Đức gọi là Đám Cưới Bạc (Silberhochzeit).
Ấn tượng mà xưởng kim cương này để lại là cách đón tiếp khách. Xưởng nằm riêng một khu rộng mênh mông. Riêng chỗ đậu xe đã rộng cở hai sân đá banh. Khách được chở vào xưởng bằng loại xe nhỏ chạy trong các hội chợ, được tiếp đón từng cặp vào phòng riêng, được mời rượu, cà phê, trà…tùy thích, được đánh bóng nhẫn, dây chuyền, lắc tay, đồng hồ… đang mang. Xong các việc đó mới nói chuyện về ý muốn của khách và giới thiệu mặt hàng.
Nói chung, việc tiếp thị tổ chức hoàn hảo. Các tiếp viên nam nữ lịch sự, người đẹp, ăn mặc đẹp, nói nhiều thứ tiếng… và đầy nghệ thuật khuyến dụ khách tiêu tiền. Tour đi thăm xưởng kim cương thu hút đông người, để lại nhiều điều đáng nhớ cho chúng tôi, dù đã 22 năm qua.
Bên cạnh hai bà coi bộ thích thú say sưa trò chuyện, tôi và Đội tì tì chai bia đầu. Qua chai thứ hai bắt đầu nóng máy. Tôi nói về luồng lạnh chạy dọc xuống sống lưng tôi, hôm đầu gặp người đồng bào và nghe giới thiệu tên Đội, sinh 1954…
Đội chắc chắn là sản phẩm của một thời xáo trộn dữ dội đời sống miền Bắc: Thời kỳ cải cách ruộng đất 1953-1956. Thời đó, Đội là ông trời con, nắm quyền sinh sát trong tay.
Đặt con tên Đội có thể bày tỏ lập trường tán đồng một quyết định chính trị của đảng phát động: Cải cách ruộng đất. Có thể là mong ước con lớn lên đầy quyền lực như ông đội trưởng Đội Cải Cách trong thời kỳ này.
Đội gật gù:
– Tên con đúng là mơ ước của cha mẹ, nhưng trong trường hợp em lại quá bi thảm. Mẹ em mất khi vừa sinh em ra. Em chỉ nghe dì, chị mẹ, nói lúc đó mẹ em thều thào nhắc chị đặt tên cháu là Đội rồi xuôi tay.
Tôi ôm vai Đội, đôi vai run run xúc động, đôi mắt trừng trừng nhìn phía xa xăm. Tôi biết người đồng bào đang ngồi với tôi, cần tâm sự để trút nguồn cơn.
Đội kể, ông bà ngoại buồn khổ theo gia tài sự nghiệp bị tịch thu hết, phải ra che chòi chui rúc ở bìa cồn mồ làng. Đứa con gái út xinh xắn hy sinh nhan sắc, trinh tiết cho tên đội trưởng để được định thành phần gia đình từ phú nông xuống trung nông vừa.
Cứu cha mẹ, nhưng rồi mang thai và chết lúc sinh con làm ông bà buồn khổ, đau đớn và theo nhau qua đời chỉ vài ngày sau cái chết của mẹ Đội.
Đội lớn lên như con ruột của dì. Sau cải cách ruộng đất, nhờ khéo léo cần cù làm ruộng, buôn bán, gia đình dì và bác lại có cái ăn, cái để, nuôi hai con và Đội lớn lên học hành đàng hoàng. Riêng Đội, tốt nghiệp sư phạm 10+2 làm giáo viên ở một trường cấp 2 miền Trung Du.
Những năm 1978-1980 đời sống ngoài Bắc rất khó khăn. Đó là thời kỳ “Tố Hữu tăng lương, Trần Phương tăng giá,” như lời đồng dao trong dân chúng.
Lúc này, Đội yêu một em học sinh lớp 8. Em này có người anh ruột vào lập nghiệp ở Lâm Đồng từ sau 1975, và xây dựng được cơ ngơi vững chãi, muốn đưa em gái và Đội vào Nam.
Hai đứa nuôi nhiều hy vọng về cuộc đời mới nơi đất lành xa lạ, không ngờ tai họa ập đến.
Một chiều ngồi nơi hiên nhà dì của Đội, chàng quàng tay ôm vai em học sinh, khi em nhìn Đội đầy yêu thương trìu mến, không ngờ sau hè, ngoài bụi hiện ra không biết cơ man nào là người, la hét nhảy tới đè Đội và em học sinh, trói lại bằng dây thừng cứng ngắt cặp đôi thầy giáo và học trò “hũ hóa,” dù chỉ ôm vai nhau.
Rồi công an xã làm biên bản tạm giam. Rồi chi bộ đảng, đoàn, công đoàn nhà trường có mặt thu xếp thành vấn đề nội bộ, xin giao cho nhà trường giải quyết.
Đây là một cái bẫy đã gài đặt theo dõi từ lâu. Đội không biết mình là cọng gai nhọn trong mắt ban lãnh đạo nhà trường.
Đội là “con kỳ đà cản mũi” những kế hoạch xây dựng, thâu tiền phụ huynh, học sinh lao động… vì Đội chống cách thu vào cho đầy túi ban lãnh đạo núp dưới những lời lẽ hoa mỹ, sáo rỗng.
Kết quả, Đội phải nộp đơn xin nghỉ dạy, ủy ban xã chấp nhận cho Đội chuyển hộ khẩu vào Nam. Trước sau Đội cũng sẽ đi Lâm Đồng nên kế hoạch hại Đội của chi bộ đảng nhà trường hóa ra vừa ý chàng hết sức.
Chỉ có một người không vừa ý là dì Đội. Dì biết cháu mình. Tính tình cương quyết, thẳng thắn như cô em gái mình, mẹ của Đội, không có đất sống trên quê hương này. Dì mang ơn mẹ Đội đã hy sinh thân mình cứu cha mẹ. Nếu không xuống thành phần trung nông vừa, thì ông bà đã chết từ những ngày đầu Đoàn Cố, Đoàn Đội về làng, từ bước 1 trong 6 bước của Chiến Dịch Giảm Tô 1953-1954.
Dì biết ý định của em mình, trao thân cho tên đội trưởng để gia đình được xếp lại thành phần. Dù không khác những cô gái trong làng, hiến thân cho đội trưởng ngoài đống rơm, bên thành giếng…để ngày mai phân phối quả thực, tịch thu từ nhà điền chủ, được nhận một cái cối đá hay một cái lu sành.
Nhưng cối đá, lu sành sẽ trôi theo lũ lụt, sẽ vỡ…chỉ có sự hy sinh của em tồn tại, ray rức trong lòng dì, như một vết thương sâu không bao giờ lành.
Dì không biết hết ý em mình khi trăn trối đặt tên Đội cho thằng nhỏ. Nhưng đến giờ, dì nhận ra em mình đã thấy xa.
Mẹ Đội nghĩ đến những bất trắc trong cuộc sống hiện tại và gắn đời con với chữ Đội, vừa xác định thời gian, xuất xứ và lý do ra đời của Đội. Tên Đội trói buộc trách nhiệm của tác giả bào thai trong bụng mẹ Đội với cuộc đời thằng bé.
Dì biết người đội trưởng của thời kỳ 1953-1956 bây giờ ở Hà Nội, làm ông lớn. Nhưng dì không cho Đội biết. Dì âm thầm liên lạc và khẩn khoản xin người đó kiếm cho Đội một xuất lao động ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Với chức vụ và quyền thế người đó bây giờ, chuyện nầy quá dễ. Và sau này, trong những lần người đó qua DDR, cha con có thể gặp nhau nếu người đó muốn.
Dì phải tính gấp vì tình hình cuộc chiến biên giới Việt Trung vừa tạm yên, chưa biết bùng nổ trở lại khi nào. Đội có thể bị đưa vào bộ đội bù cho khoảng trống về tổn thất nhân mạng, nếu Đội nghỉ dạy, không làm gì.
Tháng Mười Hai, 1979 dì nhận giấy triệu tập Đội đi xuất cảnh lao động, Đội lên đường vào Tháng Giêng, 1980.
Đội ngước mắt nhìn tôi: “Đoạn tiếp đời em như bác đã biết. Từ đó đến nay, ông Đội trưởng thời cải cách ruộng đất vẫn chưa tìm em. Dì em mất một năm sau khi em ở Đông Đức, trong một tai nạn lưu thông: xe tông chết trên đường từ Hà Nội về quê. Một rủi ro hay một âm mưu giết người bịt miệng có bàn tay ông đội trưởng?
Chúng tôi ngồi yên và cả hai nhạt nhòa nước mắt. Nhà tôi và Sabine đã lên phòng từ trước. Hồi lâu, Đội lên tiếng:
– Dì chưa một lần nói cho em biết ông đội trưởng là ai có lẽ vì an nguy cho em. Dì cũng không biết thằng Đội, cháu dì, bây giờ là một ông Đức da vàng mũi tẹt, mang họ vợ và một tên Đức lạ hoắc.
Đội cho biết sáng mai là ngày cuối của kỳ nghỉ Hè, xe sẽ đưa Sabine và Đội lên phi trường lúc 5 giờ. Tôi ôm vai Đội:
– Cám ơn Đội đã cho tôi nghe câu chuyện thương tâm. Tôi đã khóc khi đọc “Ba Người Khác” của Tô Hoài. Ngày xưa “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” đi vào tuổi thơ, thì nay “Ba Người Khác” đi vào lương tâm. Tô Hoài viết ba người đã khác thế nào trong cơn lốc thời cuộc. Ba người tiêu biểu cho hàng triệu, hàng chục triệu người đã “khác.”
Đội ngạc nhiên:
– Làm sao bác biết những điều ấy?
Đội có thể tìm thấy những gì cần đọc trong Internet. May mắn cho chúng ta ở vào thời đại hôm nay. Không ai che dấu được sự thật. Nhiều người tiếp cận sự thật, đồng thời cũng không thiếu người bóp méo sự thật. Chúng ta sẽ trở thành con người “khác” nếu chúng ta dối trá.
Không có Tô Hoài với “Ba Người Khác,” Hoàng Minh Tường với “Thời Của Thánh Thần,” Nguyễn Mạnh Tường với “Une Voix Dans La Nuit “(Tiếng Vọng Trong Đêm), và … nhiều người nữa, giai đoạn 1953-1956 long trời lở đất sẽ chìm vào quên lãng.
Chúng tôi bịn rịn từ biệt. Đội xúc động, rơm rớm nước mắt. Tôi kềm chế vừa nói, vừa giật lùi bước đi:
– Đội ơi! Chúng ta sẽ gặp lại nhau. Chúng ta là đồng bào hôm trước nhưng hôm nay đã thành cố tri. Lần gặp tới mới đúng nghĩa mừng vui trong tứ hỷ: “Tha hương ngộ cố tri.”
Frankfurt, Germany