Tiếng động mùa Xuân – Nguoi Viet Online

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Thinh Văn 

Người nữ y tá lúc nào cũng có cái giọng nửa Mỹ nửa Việt. (Hình minh hoạ: ADEK BERRY/AFP via Getty Images)                                                 

1.

“Hôm nào rảnh you dạy mình tiếng Việt đi!” Như những lần trước đây Hạ Quyên, người nữ y tá lúc nào cũng có cái giọng nửa Mỹ nửa Việt nghe ra ngồ ngộ.

Ngữ thấy bối rối vì câu nói có nhiều sự gần gũi bất ngờ của nàng ban nãy. Và đôi mắt nàng! Ngữ cứ ngắm mãi đôi mắt ấy không thấy chán. Đôi mắt đen láy. Bao giờ cũng thế, khi vừa nói chuyện xong với Ngữ nàng cũng đều đăm chiêu nhìn vào một nơi xa xăm mơ hồ nào đó như tuồng thờ ơ lãnh đạm với mọi cái trên đời nầy.

Đôi mắt có một vết tích dính dấp tới một người đàn bà đã đi qua đời Ngữ. Quá khứ tưởng chừng như đã mất dấu, tự dưng thoáng hiện. Ngữ thật sự thảng thốt – “Ừ, chú sẽ dạy tiếng Việt cho cháu.”

Vào những ngày Tháng Năm, thành phố trở nên khô ráo sạch sẽ, những phiến đá lát đường cho người đi bộ như trắng ra, đi trên đấy thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Những hàng cây đi vào tòa nhà gạch ngói có mùi ngây ngấy của những quả đào lông chín rụng khi có cơn gió lắt lay; những bụi hoa dại cười ngả ngớn, chẳng được ai chăm sóc; ấy thế mà chúng vẫn xanh tươi mượt mà, chỗ khoảng đất trống sót lại vài vạc cỏ sém nắng, còn le ngoe vài cộng, đàn quạ đang giành ăn kêu lên quàng quạc.

Người ta gọi Suwanee là thành phố của những quả đào lông, có nhiều mùi gạch ngói, khô nhưng không oi bức, mênh mông nhưng không u buồn. Ngữ đã đến tòa nhà gạch ngói nầy nhiều bận; khác với mọi khi, hôm nay chàng cảm thấy khoan khoái rằng ánh mặt trời hè đang rọi chiếu trên đầu và rọi rõ vào tòa nhà có hàng chữ to tướng “Suwanee Medical center” cùng các văn phòng hành chánh thuộc tiểu bang Georgia.

Ngữ ngồi ở phòng khách chờ người y tá mang toa thuốc ra, đọc các tờ báo y học có sẵn trên bàn. Những hình ảnh ở bìa báo đa dạng, tạo nhiều ấn tượng phức cảm, ngòai những đường nét kích thích sự hưng phấn cho người đàn ông, hình ảnh cuả các lọai trái cây rau quả cần dùng để hạn chế sự tăng trưởng không bình thường của cơ thể, những phương pháp tập luyện để tránh xảy ra các bệnh trầm cảm, hiếu động và bệnh…Ngữ không đủ khả năng Anh ngữ để hiểu thêm. Những lần trước đây, chàng không phải mất nhiều thời gian chờ đợi như thế nầy.

You bị “Post Traumatic Stress disorder,” theo hồ sơ Bác SĩJay P. Klarnet vừa kết thúc. Cũng cái giọng lơ lớ nửa Việt nửa Mỹ của Hạ Quyên, Ngữ cố nhịn cười không được và thấy như gần gũi thêm với người phụ nữ nầy. Chỉ có vỏn vẹn tên thuốc “Prozac” và ba lần refill.

Như thế là ba tháng nữa, Ngữ mới găp lại Bác Sĩ Klarnet nên chàng cứ xớ rớ ở đó để được gặp lại ông ta hỏi về chứng bệnh mà lâu nay Ngữ chưa nghe tới, dù ban nãy đây ông ta đã có giải thích, Ngữ vẫn chưa thấy an tâm.

“You phải chờ hết bệnh nhân hoặc có ai cancel buổi hẹn, you mới được gặp lại Bác Sĩ Klarnet,” lại giọng nói nửa Việt nửa Mỹ.

You bị “Post Traumatic Stress disorder,” (Hình minh hoạ: MARCOS PIN/AFP via Getty Images)

“Anh bị chấn động về xúc cảm tâm lý lâu dài, theo như kết qủa của hơn một trăm câu trắc nghiệm tháng trước.” Bác SĩKlarnet nói thêm: “Bệnh nhân có những biểu hiện không bình thường với những cảnh tượng quanh mình như: bực tức vô lối với người khác, không thích đám đông, vui buồn thái quá, đôi khi đâm ra ít nói lạnh lùng.

Trong giấc ngủ thường gặp những cơn ác mộng về chết chóc, chém giết, thù hận, cuồng nộ…”

Ngữ chưa gặp người nào vui tính, dễ chịu như người bác sĩ nầy. Ngữ đã thỏa lòng với lối giải thích ngắn gọn hóm hỉnh, bên cạnh hàng râu mép đang mấp máy tiếp liền với bộ râu quai nón màu nâu xám và chiếc cằm vừa được cạo nhẵn nhụi, bật lên vóc dáng to lớn dễ tính nơi ông ta.

Điệu Waltz thật quen thuộc “Blue Danube” của Johann Strauss, Ngữ đã từng nghe từ chiếc loa nhỏ xíu, gắn giữa trần nhà, như cơn mộng du qua một thế giới đầy huyền ảo và đam mê. Lần nào cũng thế, điệu Waltz dìu dặt cứ như đón chờ Ngữ.

Phòng làm việc của Bác SĩKlarnet được bài trí theo kiểu cách gia đình hơn là chỗ để làm việc. Phía tường bên phải từ phía trong nhìn ra cánh cửa chính, là tấm bằng Bác Sĩy khoa do Đại Học Stanford cấp, kế cạnh là hình người đàn bà Việt Nam với chiếc áo dài có đeo chuỗi hạt bẹt trắng, không cười nhưng vui, rồi tới tấm hình chụp chung ba người.

Trên tường phía bên trái treo đầy những giá sách bằng gỗ sồi, chất đầy sách, giữa những giá sách ấy là chiếc đồng hồ vỏ gỗ hồng sắc, quả lắc bằng đồng cứ đưa qua đưa lại, âm thanh đều đặn vẫn nghe được.

Và phía sau chiếc bàn ngồi làm việc là bức tranh của Paul Cézanne được treo thật cao, trông hoành tráng, tạo ấn tượng mạnh. Kế cạnh đó, có chiếc bàn xinh xắn màu burgundy, một bình có sẵn café và một bình đựng nước sôi, một chiếc rổ đan bằng tre đựng các goí đường và cacao, những ly bằng giấy được móc vào một cái giá bằng chất nhôm, trông gọn và sạch.

“Sao! anh lại thắc mắc về chứng bệnh của mình hay là tên thuốc mới tôi vừa cho?” Hình như bệnh nhân nào cũng sợ hãi về hội chứng Post Traumatic Stress disorder thì phải! Bác Sĩ Klarnet vừa nói, vừa lắc vai nhè nhẹ với đoạn điệp khúc Blue Danube, trông ông trẻ hẳn ra.

Bất giác, một cái gì vô cớ thật ngọt ngào, thật tươi trẻ, thật khoan khoái choán lấy tâm hồn Ngữ. Người bác sĩ với giọng dễ dãi quen thuộc:

“Âm nhạc cũng là loại thuốc tốt cho chứng bệnh của anh đấy.” – Có nghĩa là tôi phải thường xuyên nghe nhạc. Ngữ chưa nói hết ý, có thể vì sự giới hạn của ngôn ngữ có thể vì thời gian quá bất ngờ Bác Sĩ Klarnet dành cho chàng khiến chàng hồi hộp.

“Anh cứ thoải mái nói chuyện, tôi sẽ nói thật chậm để anh theo kịp. Vả, chẳng còn bệnh nhân nào ở đây. Chiều nay tôi về nhà muộn cũng chẳng sao.” Và một điệu Waltz khác rất mơ hồ, hai người lặng yên một hồi. Dòng nhạc như bơi lội trong đầu họ.

“Anh không phải sợ về chứng bệnh của mình! Nhưng tôi nói trước- Tất cả là ở anh, anh phải tự chữa lấy, thuốc chỉ là phụ.” Chính tôi cũng đã mắc chứng bệnh như anh gần bốn mươi năm về trước.

Tự dưng người bác sĩ đổi sắc diện cũng như giọng nói, đôi mắt liếc ngang tấm hình người đàn bà treo ở phía tường bên phải, một luồng gió mát phà vào mặt hai người, không gian im vắng đến nỗi nghe được tiếng động của hai con sóc rượt nhau bên ngoài cánh cửa sổ…

Ngữ đã không còn thắc mắc tại sao Bác Sĩ Klarnet đã quá ưu ái đến mình. Ở mỗi một trường hợp đều nằm vào một cơ cấu nhất định nào đó để nó được xiển dương. Người bác sĩ nầy đã cật lực chữa bệnh cho Ngữ, vì ở Ngữ có một phần đời sống của ông ta. Câu chuyện cứ trải dài ra như một cánh đồng bất tận…

Giọng Bác Sĩ Klarnet nghe đục và khàn: “Quế Lâm đã sống hết trong da thịt tôi. Người đàn bà Việt Nam tuyệt vời đó đã không còn nữa. Nhưng tại sao nàng lại không còn nhỉ? Nàng còn đấy chứ! Nàng đã để lại cho tôi người con gái cũng tuyệt vời như nàng với cái tên rất Việt Nam: Hồng Lĩnh.”

Tôi vào Trường Bộ Binh Fort-Benning ở miền Tây của tiểu bang Georgia nầy lúc tuổi còn đầy nhựa sống. Khi tham chiến ở chiến trường Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng tất cả đều quá bất ngờ. Quả thật ở đó, với tôi thảy đều xa lạ. Tôi chẳng hiểu tí gì về dân tộc của anh. Nhất là về mặt tâm lý. Nhưng điều tôi thấy, đó là tính cần cù và tính chịu đựng của người Việt Nam. Chịu đựng ngay trong cả cái chết. Điều đó không có trong người dân tôi.

Tôi biết được như thế vì trong cuộc chiến đó, tôi đã không còn chịu được nữa sau hai lần bị thương, chứng kiến nhiều cái chết tức tưởi của bạn mình cũng như của địch, tôi lạnh người khi nhớ lại những quả mìn nổ chậm bên kia một chiếc cầu mà tôi đã quên mất tên, thuộc miền Trung Việt Nam. Và cảnh hãi hùng hơn hết là những xác địch quân xẹp lép khi cố trườn mình lên ngăn chận những chiếc xe tăng. Có những đêm tôi không thể nào ngủ được vì đường bay của đạn pháo, tôi lại cảm phục sự can đảm vượt bực của những người lính miền Nam, có khi họ ở trong rừng sâu hoặc lội trong sình lầy cả tuần lễ, chẳng bao giờ than van oán trách. Còn chúng tôi! Có đủ mọi thứ tiện nghi, nhưng sức chịu đựng quá kém, lại thêm tâm lý dao động, bất an, lúc nào cũng muốn người khác sống theo ý mình! Riêng tôi thì vẫn biết “mỗi cây mỗi hoa; mỗi nhà mỗi cảnh,” nhưng sự hiểu biết đó thật ít ỏi trong chúng tôi.

Thôi, tôi không muốn nói thêm, và cứ coi như tuổi thanh xuân của mình đã bị phung phí trong cuộc chiến ấy, rồi tôi cũng bị hội chứng như anh “Post Traumatic Stress disorder” khi về Mỹ. Rồi mình cũng phải biết đứng dậy để làm lại cuộc đời nầy.

Âm nhạc cũng là loại thuốc tốt cho chứng bệnh của anh đấy. (Hình minh hoạ: MARTIN BERNETTI/AFP via Getty Images)

Rất may, chứng bệnh ấy chẳng bao lâu được chữa khỏi nhờ Quế Lâm, người vợ yêu quí của tôi. Tôi cưới nàng ở miền Trung nước Việt. Nàng đã theo tôi về Mỹ, vừa đi làm vừa nuôi tôi ăn học. Nàng dành trọn công việc cho gia đình, tất bật hết ngày nọ đến ngày kia để tôi yên tâm vào Đại Học Stanford vùng Palo Alto- California.

Nàng cũng đã dạy dỗ Hồng Lĩnh nên người và lạ nhất là nàng đã dạy cho đứa con gái nầy nói tiếng Việt rất dễ dàng, có thể nhờ hiểu biết tiếng Việt rạch ròi mà Hồng Lĩnh đã giữ nguyên phong tục tập quán Việt Nam như mẹ nó. Nhưng rồi điều không may đến với tôi: Quế Lâm đã chết vì bệnh ung thư. Chứng Post Traumatic Stress disorder lại đến với tôi lần thứ hai.

Rồi tôi lại bước thêm bước nữa với người đàn bà Mỹ có tên Nancy. Chẳng bao lâu chúng tôi chia tay, may mà không có con với nhau. Giờ tôi biết chắc rằng mình không mắc phải chứng bệnh quỉ quái kia nữa vì có Hồng Lĩnh chăm sóc tôi như tuồng thay thế cho mẹ nó, bởi ở Hồng Lĩnh có nhiều nét của Quế Lâm nên tôi rất an tâm.

Cả chồng con của Hồng Lĩnh cũng đều sống chung với tôi như kiểu sống ở Việt Nam mà tôi đã thấy. Với người Mỹ, điều nầy thật là lạ lùng! Còn với tôi, nó đã trở thành điều thú vị. Nói ra chẳng ai tin. Biết đâu, nhờ cuộc chiến Việt Nam mà tôi có được Quế Lâm! Lớn tuổi rồi, tôi lại cần một thứ gì đó thuộc về kỷ niệm. Biết đâu tôi chẳng còn lý do nào để phải ta thán về cuộc chiến đó nữa!

Ngần ấy câu chuyện của Bác Sĩ Klarnet kể, Ngữ như thức tỉnh một điều gì đó khó giải thích, nhưng sự dặn dò cuả Bác Sĩ Klarnet, “Anh tự chữa bệnh cho anh hơn là trông cậy vào thuốc men.” – Đã ám ảnh Ngữ mãi.

Cuộc sống của Ngữ vẫn cứ qua ngày đoạn tháng, trong thâm tâm chưa có phút giây yên bình, lòng còn trĩu nặng những thứ đã qua rồi, muốn buông bỏ nó, vẫn không thể nào làm được! hoài niệm về một thời vàng son, lo sợ mọi người sẽ quên mình, đánh bóng cuộc đời bằng những lần tự giới thiệu mình nghe thật ròn rã trước nhiều cộng đồng… Chàng đang thiếu nghị lực hay vẫn không chịu chấp nhận mình? Quá khứ: Tuổi thanh xuân đã bị phung phí như Bác Sĩ Klarnet đã có lần đề cập, những ước mơ rằng một số ít kiến thức nơi học đường có thể đem ra phục vụ cho đất nước mình thời ấy đã tiêu tan. Rồi dần dà Ngữ cũng đã tập nhiễm cái thói “Bắt bếp lên lưng anh em mình mà nấu cơm.”- Như một phương tiện sống, nó đến từ bao giờ Ngữ chẳng hay biết, ngay cả những sai quấy của một thời! – Rồi đến những ngày làm người tù cải tạo ở miền Bắc Việt Nam; những đói rét đau đớn cuả năm tháng ấy tưởng không còn có thể sống nổi, lại chứng kiến những cảnh tượng đau lòng giữa những người cùng chung cảnh ngộ với mình! Ngữ không muốn nhớ lại… Và hiện tại: cái kiến thức đã lỗi thời trong một thân hình còm cõi, không tạo cho Ngữ dịp tiện để thích ứng được công việc làm ở đây, một xã hội đầy văn minh và rạch ròi nầy…

Ngữ cứ mãi đánh lừa mình, sống với chiếc bóng của một thời không bao giờ có lại, vỗ về những vết thương thể xác đã dăm ba lần bị mổ xẻ để tự hành hạ mình. Ngần ấy thứ, cứ đeo đẳng dày vò chàng. Ngữ cứ vùng vẫy muốn làm cái gì đó để níu kéo cái thời vang bóng của mình! Và chiếc bóng quá lớn đó đang đè nặng lên cuộc đời chàng.

Lại những đêm mất ngủ. Lại những lần lang thang hết tiểu bang nầy đến tiểu bang khác tìm việc làm. Vẫn là chuyện đánh bùn sang ao. Cuối cùng, chàng kết liễu đời mình bằng chuyện ly dị với người đàn bà cưới sau khi ra tù cải tạo.

Những tưởng mọi thứ tạm ổn, và những gì của quá khứ được thời gian che lấp đi, trôi qua không bao giờ trở lại! Nhưng một ngày bỗng gặp đôi mắt đen lánh nhìn xa vắng của người nữ y tá Hạ Quyên, gợi nhớ cho chàng đến người con gái của một thời đạn bom.

Lòng Ngữ tràn ngập một khát vọng mãnh liệt muốn được nhìn thấy lại người ấy để mình được sống thật. Cái cảm giác như thế cứ chập chờn bên Ngữ. Ý nghĩ về người con gái đã khuất dấu thật đẹp đẽ, trẻ trung và mối tình ngày xưa của Ngữ với nàng như quanh quất đâu đây.

Thuốc Prozac không còn hiệu nghiệm với Ngữ. Đã nhiều đêm mất ngủ trở lại. Tâm tánh chàng vẫn bất thường và dữ dằn. Bạn bè xa lánh, con cái thờ ơ lãnh đạm. Rồi vào một đêm chàng bị thiếp đi vì uống nhiều thuốc ngủ. Và một cơn mộng mị khởi hiện.

Chiếc đò chở đầy người và các thứ linh tinh từ bến lỡ chợ Kiến Hòa đi ngược về thượng nguồn ra sông Hàm Luông rẽ trái đi thẳng về Cái Mơn quận Đôn Nhơn. Trên đò có những hàng ghế bằng cây thật chắc chắn, khách là những người dân từ vùng quê lên chợ mua sắm các vật dụng cần thiết cho cuộc sống.

Hai bên bờ là những rừng dừa và những rừng cây giống như tràm, những chiếc thuyền con đậu trên những con rạch cạn nước dẫn vào nhà dân. Từng đàn le le bay xập xoè, từng đàn vịt nước lội bì bõm. Vài con cò nhởn nhơ gắp từng con mồi…

Chiếc đò đến Cái Mơn thì trời đã đứng trưa. Từ đây, Ngữ phải đi qua một con đò khác mới tới được Ba Vác. Khúc sông nầy ngắn hẹp, nhưng nguy hiểm. Nếu không trể phép, Ngữ đã đi bằng trực thăng từ phi trường Hàm Long, bay qua con sông chừng 20 phút thì đến Ba Vác. Đằng nầy mất hơn nửa ngày trời vẫn chưa đến nơi.

Ngữ mệt mỏi ngủ gà ngủ gật, đầu chạm phải vai áo của người con gái mà chàng đã làm quen được trên đọan sông Hàm Luông về đến đây. Có bàn tay đẩy nhẹ đầu chàng, như có cái gì ấm áp truyền vào Ngữ. Khi trời sắp mưa, bao giờ cũng dễ buồn ngủ. Đám mây đen dày đặc dần dần hiện lên qua những ngọn dừa, bầu trời từ từ sẩm lại, vẻ ồn ào trên con đò không còn nữa.

Mùa Hạ như thu mình, nhường chỗ cho cơn mưa đổ sụp xuống. Từng luồng gió thổi tạt qua thật hung hãn, tưởng con đò nhập nhèm giữa dòng nước đục bị đám mưa vây kín.

Có một loạt đạn từ phía lùm cây bắn ra, mọi người xôn xao. Chiếc đò phải tấp vào bờ. Hai người lính mặc sắc phục quân đội Việt Nam Cộng Hòa bước lên, hai người khác đứng trên bờ. Và họ đã ra lệnh mọi người ngồi yên tại chỗ. Không thấy nét dữ tợn hung hãn, nhưng vẻ chậm chạp và từ tốn của họ mới thật đáng sợ. Không hiểu sao người con gái ngồi cạnh Ngữ lại đụng đến tay chàng. Ngữ đã hiểu.

“Vợ chồng tôi về quê ăn giỗ quên mang theo căn cước, các anh thông cảm cho,” giọng chậm rãi với đôi mắt đen láy, nói dứt câu nàng nhìn mơ hồ vào khoảng không trước mặt như tuồng chẳng có việc gì đã xảy ra khiến Ngữ ngạc nhiên hơn.

Người xét giấy đã dẫn hai chàng thanh niên lên bờ, người khác đưa nòng súng lên trời theo sau hộ tống. Ngữ toát mồ hôi đến nỗi đò đến Ba Vác mà chàng vẫn không hay. Khúc sông nầy thỉnh thoảng du kích giả dạng lính Việt Nam Cộng Hòa chận thuyền đò xét giấy tờ bắt lính, công chức nghỉ phép hoặc đi công tác.

Sau cái lần thoát chết đó, Ngữ đến với người con gái đã cứu chàng như một định mệnh. Hạ hồi đó dạy môn Sử Địa ở trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Cái Mơn. Giấc mộng được vào Đại Học Văn Khoa ban Sử Địa của nàng đã không thành…

Ba Vác là xã đầu tiên của quận Đôn Nhơn, tỉnh Kiến Hòa phải được bình định khẩn cấp. Quận Đôn Nhơn hồi đó có chín xã, thì bảy xã đã mất vào tay địch.

Có những chiều đứng trên lô cốt ở một tiền đồn vừa mới tái lập, Ngữ thấy tứ phía toàn khói đạn mịt mùng, những loạt đại liên từ các chiếc trực thăng bay rào rào, khét lẹt mùi thuốc súng. Những chiếc máy bay khác lượn qua, lượn lại như đám mây vần vũ, âm thanh từng quả bom đổ xuống nghe kinh hoàng.

Rồi những đoàn người chạy hớt hải, những xác người bị thương được khiêng đi bằng những khúc cây lớn, những đàn bò chạy tới tấp như chẳng biết chạy về đâu. Và những người bị tình nghi là Việt Cộng bị bắt đem về đồn địa phương quân gần bộ chỉ huy tiền phương Trung Đoàn 10 thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Có cả những người vợ lính bồng bế con theo chồng ra trận…

Quanh khu vừa mới bình định Ba Vác đã bắt đầu khởi sắc, nhiều sắc lính gặp nhau chào hỏi ở những khu có chợ chồm chỗm, các loại thức ăn được bán vội vàng, thu gọn nhanh chóng. Những cuộn kẻm gai được chở tới nườm nượp rào quanh khu trường ấp tân sinh, trạm xá, và văn phòng xã…

Rồi một hôm, Ngữ choáng váng và rối rắm lên khi được tin những người bị tình nghi Việt Cộng ngày mai bị đưa về tỉnh, có gia đình Hạ.

Ấy thế mà hai người vẫn yêu nhau thắm thiết hơn, cho dù Hạ chẳng bao giờ đồng tình với cách “gắp lửa bỏ tay người” để được thăng quan tiến chức của Ngữ, cả việc gia đình nàng có liên hệ với phía bên kia chưa được giải quyết. Hạ vẫn canh cánh bên Ngữ cho đến ngày Ngữ bị thuyên chuyển về một đơn vị chủ lực tận mãi miền Trung vì lý do an ninh.

Mùa Xuân năm đó, vượt qua được những ổ mìn ra thăm Ngữ ở vùng núi xa xôi miền Trung. Hạ đã có thai với Ngữ. Cũng từ đó, Ngữ bắt đầu được lên quan, tiến chức cũng bằng cách gắp lửa bỏ tay người mà Hạ đã có lần nói với chàng: “Chẳng bao giờ thay đổi được bản chất của một người.” Và những tháng sau đó, miền Trung bị mất, rồi cả nước.

5.

Mảnh trăng còn lại cũng mờ mờ ẩn hiện như nấp sau tấm màn nhện trong suốt, Ngữ bước theo Hạ như một kẻ mộng du, ngoài cửa sổ những lùm cây xào xạc rung động.

Hạ vận chiếc áo lụa mỏng, có những đường vải xếp lại trông nàng vẫn còn trẻ, làn da có đôi nếp nhăn, nhưng vẫn còn trắng dù không như trứng bóc của năm nào, không còn mái tóc dày, nhưng mềm mại và đôi mắt đen láy ấy vẫn còn như xưa, nhìn vào khoảng không mơ hồ kín đáo, lúc nào cũng như bất cần, tỉnh tại.

“Hội chứng Post Traumatic Stress disorder,” một phần là sự di lụy của chiến tranh. (Hình minh hoạ: AHMAD AL-BASHA/AFP via Getty Images)

Chiếc bàn được trải một tấm khăn trắng toát, có ấm trà nóng và mấy cái tách. Hạ nhìn Ngữ, muốn nói một điều gì đó như tự nói với chính mình, rồi hớp từng ngụm trà như để nhớ lại cái đêm cuối cùng với Ngữ ở miền rừng núi Trung Việt.

Đêm yên vắng, trời về khuya, bỗng có cơn mưa nhỏ. Không khí như mát và mịn hơn. Trong cái hài hoà kỳ lạ nầy, có một chất giọng tuy không còn trẻ, nhưng đủ chuyên chở môt khát vọng thật trong sáng và vững chãi “Em lại nhớ cơn mưa trên chuyến đò năm ấy,” dù cơn mưa nầy không lớn.

“Còn anh thì nhớ những xác người bị thương được tải đồn. Anh vẫn còn bị nhiều ám ảnh bởi chiến tranh, chiếc bóng quá lớn đè nặng lên anh, bị một thời mà anh gọi là vàng son, nó dự phần vào từng hơi thở, từng thớ thịt trong anh rồi.” Giọng Hạ vẫn dứt khoát như thời còn trẻ khi nhắc đến hồ sơ bệnh án của Ngữ.

“Hội chứng Post Traumatic Stress disorder,” một phần là sự di lụy của chiến tranh, nhưng phần lớn vẫn do mình…

“Sao anh không nhắc đến cái đêm mà chúng mình có Hạ Quyên,” cái tên mà anh thích nhất ở một bài thơ đầu tay anh đã tặng em. Đàn ông thường vô tình như thế đó, cho dù đã nhiều lần em cho anh hay sau lần cuối cùng mình gặp nhau. Anh vẫn chưa buông bỏ được những thứ cặn bã trong đầu để tiếp nhận những thứ mới, nhẹ nhàng và hữu ích hơn không!” Hạ nói nhiều như sự tức tưởi bị chất chứa lâu ngày khi mà Ngữ đã hờ hững về mối tình nồng cháy mùi thuốc súng và chết chóc của nàng hồi ấy.

Mặt trăng tròn mọc chênh chếch trên mái nhà như đứng lặng một chỗ. Hai người đang chăm chú nhìn bóng trăng sang sáng trên những lùm cây đào quanh khu vườn, có những bóng đèn được gắn trên lối đi dẫn họ qua những lùm cây, ngào ngạt mùi thơm cuả những đóa hoa lê đang nở rộ. Vẻ đẹp và tươi mát của đêm vắng đã đưa Ngữ đến nhiều ý tưởng thật lạ thường, khi chân chàng đạp phải vạc đất có dính chút nước sau cơn mưa nhỏ ban nãy.

Hai người đã nói nhiều về Hạ Quyên, về những chuyện có bóng dáng của một thời mà những con mắt mang đầy màu khói của những làn đạn thật vô tình, thật ruông ruỗi… Và họ lặng yên, nhưng vẫn nghe được cả những điều mà họ không muốn nói ra. Cả ngôi nhà yên tĩnh đến mức có thể nghe được tiếng tí tách nơi chiếc đồng hồ đeo tay của Ngữ, cả tiếng thở dài của hai người.

6

Lễ Tạ Ơn năm đó được tổ chức ở ngôi nhà có lối kiến trúc theo kiểu La Mã thuộc thành phố Lawrenceville, có những đứa con của Ngữ, có cả Bác Sĩ Klarnet, có cả vợ chồng Hồng Lĩnh. Và dĩ nhiên không thể thiếu Hạ.

Tự dưng Ngữ nhận ra rằng, mình cần phải cảm tạ một điều gì đó, có thể là những thứ đã bị mất mát trong đời nầy, những điều đã mang đến cho mình sự thất bại ở nhiều chỗ, trong đó có chỗ của chiến tranh. Và khi chàng nhìn thấy những đứa con chàng đang sống ở vùng đất có nhiều sữa và mật, thì sự cảm tạ bắt đầu dâng trào như một bài kinh cầu nguyện, sự thể mà chàng chẳng bao giờ dám mơ ước tới.

Và Hạ, có thể là một thứ thuốc Prozac mới, viên thuốc có chứa trong ấy mặt trời thật rực rỡ, có mùi thơm cỏ xanh vừa mới cắt, có cả một mùa Xuân đang trở mình…

Đêm ấy, ngón đàn của Bác Sĩ Klarnet với điệu Waltz tuyệt vời của Toscanini từ chiếc đàn Piano cũ kỹ ở góc nhà, mang đến cho mọi người một thứ hạnh phúc thánh thiện, riêng ông hình như có cái gì nghẹn ngào vừa mới thoáng hiện vì bóng dáng Quế Lâm cứ lảng vảng bên cuộc đời lặng lẽ của mình…

 

Перейти к эмитенту новости